Bài viết về: Tối ưu hóa tỉ lệ chuyển đổi
Bài viết này cũng có sẵn trong:

Hướng dẫn phân tích và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi từ bước Xem sản phẩm đến Thêm vào giỏ hàng

Có nhiều yếu tố có thể làm ảnh hưởng tỉ lệ chuyển đổi bước Xem sản phẩm đến Thêm vào giỏ hàng, có thể là chất lượng sản phẩm, tệp khách hàng mục tiêu chưa phù hợp. Trong bài này, ShopBase sẽ giúp bạn phân tích và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi từ khách truy cập vào xem sản phẩm thành khách hàng tiềm năng (thêm sản phẩm vào giỏ hàng).

Nội dung bài viết



A. Hướng dẫn phân tích các yếu tố ảnh hưởng
B. Danh sách việc cần làm để tối ưu tỉ lệ chuyển đổi
C. Các câu hỏi thường gặp và xử lý sự cố

A. Hướng dẫn phân tích các yếu tố ảnh hưởng



Các yếu tố ảnh hưởng tới tỉ lệ chuyển đổi từ bước Xem sản phẩm đến Thêm vào giỏ hàng


Các yếu tố ảnh hưởng tới bước chuyển đổi này bao gồm:

Hình ảnh sản phẩm
Mô tả sản phẩm
Giá sản phẩm, giá khuyến mãi
Bảng kích thước sản phẩm (Size chart)
Yếu tố tạo niềm tin (bình luận về sản phẩm)
Chính sách Hoàn trả & hoàn tiền, Chính sách Vận chuyển
Nút Add to Cart
Giao diện cửa hàng trên thiết bị di động

Hướng dẫn phân tích các yếu tố ảnh hưởng


Khi bạn thấy tỉ lệ chuyển đổi trên cửa hàng của mình thấp hơn so với kỳ vọng, hãy cùng tiến hành phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới bước chuyển đổi này để có giải pháp cải thiện phù hợp.

Trường hợp tỉ lệ giảm nhiều ở bước Xem sản phẩm đến Thêm vào giỏ hàng, bạn hãy kiểm tra lại toàn bộ quy trình:

Kiểm tra lại chất lượng tập khách hàng đang đưa vào xem sản phẩm đã được tối ưu và lựa tập khách hàng mục tiêu đã được tối ưu đúng hay chưa.

Trường hợp nếu lượt khách hàng được thu hút bởi sản phẩm của hàng chưa đủ nhiều thì tỉ lệ chuyển đổi trên sản phẩm và cửa hàng sẽ không ổn định và chưa đánh giá được đủ.
Bạn nên xem xét thu hút thêm khách hàng chất lượng vào xem sản phẩm để tăng khả năng chuyển đổi sang bước tiếp theo.
Lưu lượng khách hàng tối thiểu vào cửa hàng của bạn hàng ngày nên từ 300 lượt khách hàng trở lên để có đủ dữ liệu giúp bạn phân tích.

Gần đây chiến dịch quảng cáo của bạn có điều chỉnh hay thay đổi nào không.

Kiểm tra thông tin trên trang sản phẩm và các yếu tố ảnh hưởng được đề cập ở mục 1, vì rất có thể đó là một trong những nguyên nhân đang cản trở khách hàng thêm sản phẩm vào giỏ hàng.

Kiểm tra lại toàn bộ thông tin giao diện (thiết kế), thông tin sản phẩm bạn cung cấp trên cửa hàng đã trùng khớp với thông tin quảng cáo hay chưa.

Một số trường hợp thông tin sản phẩm ở trang quảng cáo khác với thông tin tại trang đích dẫn tới người mua rời trang ngay lập tức: Ảnh sản phẩm không liên quan hoặc chất lượng kém; Thông tin sản phẩm không đúng nhu mô tả ở trang quảng cáo; Thông tin khuyến mãi ở trang quảng cáo không được áp dụng ở trang đích.
Thông tin sản phẩm trên trang đích không đầy đủ: Thiếu hình ảnh sản phẩm, hoặc hình ảnh chất lượng kém; Không có các sản phẩm biến thế như quảng cáo; Thiếu thông tin kích thước của sản phẩm; Trang sản phẩm không mang lại sự tin tưởng với khách hàng: không có đánh giá sản phẩm, không có các yếu tố tạo niềm tin về sản phẩm, v.v.
Chính sách về sản phẩm và chính sách mua hàng không rõ ràng.
Thao tác thêm sản phẩm vào giỏ hàng không hoạt động hoặc gây hiểu nhầm với người mua.
Giao diện trang sản phẩm khi xem trên thiết bị di động không thuận tiện với người dùng.

B. Danh sách việc cần làm để tối ưu tỉ lệ chuyển đổi



1. Hình ảnh sản phẩm


Hình ảnh sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn sản phẩm của khách hàng. Do đó, bạn cần đảm bảo cửa hàng của mình đang cung cấp những hình ảnh sản phẩm có chất lượng cao, chân thật nhất và thu hút người xem trang sản phẩm.

Nâng cao chất lượng hình ảnh.
Bổ sung đầy đủ hình ảnh sản phẩm cho các biến thể.

Danh sách việc cần làm:

Cung cấp hình ảnh sản phẩm đa dạng, đa chiều.
Có nhiều hơn 01 hình ảnh về sản phẩm.
Bật tính năng cho phép thu/phóng hình ảnh.

2. Mô tả sản phẩm


Thông tin, từ ngữ liên quan tới sản phẩm là vô cùng quan trọng. Các thông tin như tiêu đề sản phẩm, mô tả sản phẩm tốt sẽ kích thích khách hàng ra quyết định và an tâm hơn. Các mô tả sản phẩm tốt là một trong những cách giúp bạn tối ưu trang sản phẩm trên cửa hàng của bạn, giúp người mua hình dung được về chất lượng của sản phẩm khi sử dụng.

Ví dụ về tên sản phẩm ngắn gọn và có giới hiệu hấp dẫn người mua hàng trong mô tả sản phẩm

Tiêu đề/tên sản phẩm ngắn gọn.
Bắt đầu phần mô tả sản phẩm chi tiết nên có một đoạn giới thiệu ngắn gọn, thu hút khách hàng để tìm hiểu thêm về thông tin sản phẩm, giúp níu chân người mua hàng để tìm hiểu về sản phẩm và tăng khả năng khách hàng thêm vào giỏ.
Mô tả sản phẩm cần nhiều thông tin: Các thông tin liên quan tới chất liệu, kích thước, màu sắc, công dụng, v.v.

Danh sách việc cần làm:

Có ít nhất 3 câu giới thiệu hấp dẫn (hook) về sản phẩm.
Nội dung mô tả sản phẩm không sai về ngữ pháp, từ vựng; được trình bày khoa học.
Mô tả sản phẩm có chứa các từ khoá liên quan tới mục đích tìm kiếm sản phẩm.
Cung cấp thông tin kích thước về sản phẩm đầy đủ.

3. Giá sản phẩm, giá khuyến mãi


Sau khi tìm hiểu thông tin về hình ảnh và mô tả sản phẩm, người mua sẽ xem xét tới vấn đề giá của sản phẩm đã hợp lý để đi đến quyết định đưa sản phẩm vào giỏ hàng hay không.
Các thông tin về giá nên được đưa ra rõ ràng, hiển thị đầy đủ các khuyến mãi có lợi cho khách hàng. Cho khách hàng thêm động lực để lựa chọn vì sao nên mua hàng ở trang web của bạn.

Ví dụ về giá khuyến mãi được thể hiện nổi bật và hiển thị Save Tag trên trang sản phẩm

Danh sách việc cần làm:

Hiển thị giá sản phẩm rõ ràng, không để giá ẩn.
Bổ sung giá khuyến mãi, thêm save tag để kích thích người mua.
Lựa chọn màu sắc nổi bật cho giá thực tế.
Đưa ra ưu đãi hấp dẫn, có lợi cho khách hàng.

4. Bảng kích thước của sản phẩm


Đối với hình thức mua sắm trực tuyến, khách hàng không thể thử trực tiếp sản phẩm trước khi mua hàng. Do vậy cửa hàng của bạn cần cung cấp các thông số về kích thước của sản phẩm một cách chính xác nhất có thể, để khách hàng có thể an tâm lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Lựa chọn đưa thông tin về kích thước sản phẩm đúng với đơn vị mà khách hàng mục tiêu của bạn thường sử dụng.
Các thông số đưa ra rõ ràng, đầy đủ.

Ví dụ về bảng kích thước rõ ràng trên trang sản phẩm

5. Yếu tố tạo niềm tin


Việc tạo dựng niềm tin với khách hàng về sản phẩm bạn đang cung cấp và toàn bộ thông tin trên cửa hàng là một trong những yếu tố thiết yếu để người mua ra quyết định. Bạn cần tối ưu một số yếu tố sau để xây dựng niềm tin với khách hàng và tăng cơ hội khách lựa chọn mua sản phẩm:

Nhận xét của khách hàng đã mua sản phẩm: Những thông tin này sẽ rất hữu ích với những khách hàng mới ghé thăm cửa hàng của bạn. Họ sẽ đọc thông tin bình luận về sản phẩm đã được các khách hàng khác mua, trải nghiệm và nhận xét để đưa ra quyết định.
Hiển thị thêm lượt xem, lượt bình luận về sản phẩm để tăng niềm tin với khách hàng.

Ví dụ về lượt xem và huy hiệu tin cậy trên trang sản phẩm để tạo lòng tin với khách hàng

Danh sách việc cần làm:

Thêm nhận xét của khách hàng đã mua sản phẩm, và các bình luận về sản phẩm.
Hiển thị thêm lượt xem sản phẩm thực tế.
Thêm huy hiệu tin cậy, logo.
Linh hoạt sử dụng công cụ đếm ngược để kích thích khách thêm sản phẩm vào giỏ hàng.
Thêm thông báo lượt khách hàng thực tế.

6. Chính sách liên quan tới sản phẩm


Bạn có thể nhận thấy những trang thương mại điện tử hàng đầu hiện nay, họ đều hiển thị rất rõ ràng các chính sách/ưu đãi có lợi cho khách mua hàng. Chẳng hạn như miễn phí vận chuyển, chính sách hoàn trả linh hoạt, v.v. Đó là một cách tuyệt vời để thu hút người mua hàng.

7. Nút Add to cart


Mục tiêu của cùng của trang sản phẩm là thu hút được khách hàng ấn nút Add to Cart hoặc Buy Now thành công. Vậy nên bạn cần hiển thị nút này ở vị trí thuận tiện và dễ nhận biết.

Sử dụng màu sắc nổi bật cho nút Add to Cart/Buy Now: Ưu tiên dùng những tông màu kích thích thị giác (vàng, đỏ, cam, v.v.).
Khu vực xung quanh không nên có quá nhiều chi tiết để làm khách hàng mất tập trung hoặc giảm sự nổi bật của nút Add to Cart/Buy Now.

Ví dụ về nút Add to Cart và Buy Now nổi bật với tông màu đỏ

Giao diện trang sản phẩm trên thiết bị di động


Theo thống kê, hiện có hơn 70% người mua sắm sử dụng thiết bị di động để tìm kiểm thông tin về sản phẩm: nhận xét về sản phẩm, so sánh giá, hay tìm cửa hàng, v.v. Do đó, nếu bạn bỏ qua xu hướng này và không tối ưu cửa hàng ở cả trên thiết bị di động, rất có thể bạn sẽ mất đi một lượng khách hàng đáng kể.

Danh sách việc cần làm:

Đảm bảo thông tin sản phẩm xem trên giao diện di động không bị lỗi, quá bé hoặc quá to.
Linh hoạt sử dụng bố cục trang sản phẩm đặc biệt trên thiết bị di động.

C. Các câu hỏi thường gặp và cách xử lý sự cố



Vì sao lượng khách hàng vào xem sản phẩm nhiều nhưng tỉ lệ thêm vào giỏ hàng thấp?

Tỉ lệ người mua thêm sản phẩm vào giỏ hàng (Add to Cart) thấp hơn mức tiêu chuẩn có thể do một số lý do sau:

Giao diện trang sản phẩm chưa được tối ưu: Thông tin sản phẩm đưa ra không đúng tới thông tin quảng cáo, hình ảnh không đúng như mô tả.
Chưa thực hiện phân tích, nghiên cứu sản phẩm sẽ chạy.
Chưa tối ưu chiến dịch quảng cáo: mục tiêu của chiến dịch, đối tượng khách hàng mục tiêu (độ tuổi, giới tính, địa điểm…).
Giá sản phẩm chưa cạnh tranh, thông tin chính sách về sản phẩm không rõ ràng.

Bài viết liên quan



Tối ưu tỉ lệ chuyển đổi chủ động với data-driven mindset
Hướng dẫn phân tích và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi từ bước Xem quảng cáo đến Xem sản phẩm
Hướng dẫn phân tích và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi bước Thêm vào giỏ hàng đên Bắt đầu thanh toán
Hướng dẫn phân tích và tối ưu tỉ lệ chuyển đổi từ bước Bắt đầu thanh toán đến Hoàn tất thanh toán

Cập nhật vào: 03/10/2022

Bài viết có hữu ích không?

Chia sẻ phản hồi của bạn

Hủy bỏ

Cảm ơn!